Khuyến khích các hoạt động 3T ( tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải) là một trong những giải pháp góp phần sớm hoàn thành mục tiêu trên, đặc biệt góp phần thay đổi hành vi của cuộc đồng hướng tới một cuộc sống bền vững.
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh trên 7.000 tấn chất thải rắn, tuy nhiên phần lớn trong số đó được đem đi chôn lấp gây nhiều lãng phí mà chưa tận dụng được tối đa những giá trị của rác thải. Đồng thời, tình trạng sử dụng không hợp lý các nguồn thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống đã gây ra những lãng phí không nhỏ. Vì vậy, từ nhiều năm nay, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng dân cư thực hiện các dự án, công trình về tiết giảm, tái sử dụng và tái chế đối với rác thải (3T).
Trong đó, Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM được kịp thời thành lập với chức năng cho vay ưu đãi đối với các dự án tái chế; điều phối các hoạt động trong lĩnh vực 3R và CDM; xây dựng, đề xuất khung pháp lý, chính sách khuyến khích 3R; nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực 3R. Đối tượng hỗ trợ và cho vay của Quỹ, gồm: Các chương trình, dự án liên quan đến hoạt động tái chế chất thải; các chương trình, dự án thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tái chế chất thải; các chương trình, dự án khác có liên quan theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố. Lãi suất cho vay: 6%/năm
Ngày hội Tái chế chất thải là sự kiện truyền thông quan trọng về 3T được tổ chức hàng năm từ năm 2008 với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng thực hành tiết giảm, tái chế và tái sử dụng chất thải. Năm 2013, Ngày hội được tổ chức với chủ đề “3T trong trường học” với nhiều hoạt động phong phú nhằm khuyến khích các trường và các em học sinh áp dụng các giải pháp 3T trong truờng học nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường nói chung và 3T nói riêng vào chương trình giảng dạy và học tập, xây dựng lực lượng tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động 3T và phân loại rác tại nguồn trong tương lai và hình thành thói quen thực hành 3T và phân loại chất thải rắn cho thế hệ trẻ từ những năm đầu đời. Đồng thời, góp phần hình thành thói quen phân loại chất thải cho người dân, tạo thuận lợi cho việc triền khai chương trình phân loại rác tại nguồn trong tương lại của thành phố, đồng thời thu gom các loại chất thải có thể tái chế, giảm chi phí xử lý chất thải rắn. Đặc biệt, mô hình “3T trong trường học” đã được thí điểm triển khai tại Trường Tiểu học Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) với nhiều hoạt động: Tập huấn, tuyên truyền vận động học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên thực hành 3T; phân loại chất thải rắn tại nguồn; Chương trình Tiết kiệm Xanh (thu gom chất thải có thể tái chế); tổ chức Góc tái chế; các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa chủ đề 3T…
Chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni-lông được TP.HCM đặc biệt quan tâm với các hoạt động tuyên truyền vận động các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni-lông; tổ chức định kỳ tháng sử dụng túi thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…tại nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố. Năm 2013, TP.HCM triển khai thí điểm Chương trình Giảm sử dụng túi ni-lông trong khu dân cư tại Quận Bình Thạnh nhằm kêu gọi từng hộ gia đình thực hiện hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt. Chương trình đã được triển khai với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên; vận động nhà bán lẻ ký cam kết giảm sử dụng túi ni-lông; đăng ký Khu phố Nói KHÔNG với túi ni-lông; tổ chức Tuần không túi ni-lông và Ngày hội Túi xanh...
Đặc biệt, Dự thảo Quy định kiểm soát sử dụng và thải bỏ túi ni -lông đang được Sở TN&MT hoàn tất sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng túi ni-lông đang tràn lan hiện nay.
Ngoài ra, Chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình với 200 điểm thu gom tại nhiều quận huyện, thu hút được nhiều người tham gia đã góp phần hình thành thói quen phân loại và thải bỏ đúng chất thải nguy hại hộ gia đình; giảm lượng chất thải nguy hại chôn lấp cùng chất thảisinh hoạt; từng bước tiến tới tái chế chất thải nguy hại. Sau khi được thu gom, khối lượng chất thải nguy hại sẽ được Công ty Môi trường Đô thị xử lý an toàn.
Nguyễn Thanh
(Theo monre)