Các nội dung thanh tra về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương bao gồm: Việc ban hành văn bản trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền của địa phương; thực hiện đề tài, dự án tài nguyên nước thuộc ngân sách Nhà nước; công tác cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước…
Đoàn cũng sẽ tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất; trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty Cấp thoát nước - Môi trường tỉnh Bình Dương, Trung tâm Đầu tư - Khai thác nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát và Công ty cổ phần Đại Nam... Ông Lê Hữu Thuần, Cục phó Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng đoàn thanh tra cho biết, việc thanh tra nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; đồng thời giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thanh tra còn nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động tại 6 khu công nghiệp gồm Việt Nam - Singapore, Đồng An, Việt Hương 1, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Mỹ Phước 1 và 15 điểm lắp đặt thiết bị lấy mẫu tự động tại một số công ty có lượng nước thải trên 2.000m3/ngày đêm.
Dự kiến thời gian tới, Bình Dương triển khai lắp đặt thêm 50 điểm lấy mẫu quan trắc tự động tại 50 doanh nghiệp có lượng xả nước thải lớn để kiểm soát nguồn nước thải đổ ra môi trường chưa qua xử lý.
Theo Báo Bình Dương